Metalex Vietnam 2010 là triển lãm lần thứ 4 về máy công cụ và gia công cơ khí do công ty Reed Tradex (Thái Lan) tổ chức từ ngày 7 – 9/10/2010 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Nằm trong chuỗi triển lãm Metalex – sự kiện lớn nhất Đông Nam Á về máy công cụ và gia công cơ khí, Metalex Vietnam 2010 hứa hẹn sẽ là sự kiện có ý nghĩa lớn của ngành chế tạo ở Việt Nam.
Sau những thành công của 3 kỳ triển lãm trước, Metalex Vietnam 2010 sẽ giới thiệu những sáng chế mới nhất của 300 công ty với 500 thương hiệu đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm 5 khu gian hàng quốc tế: Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.
Metalex Vietnam 2010 sẽ là nơi để người bán – người mua gặp gỡ, xem xét những cơ hội kinh doanh và cùng khám phá những công nghệ mà họ cần để mở rộng dây chuyền sản xuất, tạo nên hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Thêm vào đó, Metalex Vietnam sẽ mang đến cho khách tham quan những kinh nghiệm và tri thức công nghệ mới và cơ hội kinh doanh thông qua các hoạt động bên lề triển lãm như: Khu Hi-tech, nơi trưng bày máy móc và công nghệ cao đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan bao gồm máy thủy lực, máy ép phanh, máy cắt phun nước và máy tiện CNC; Khu trình diễn Robot, trình diễn năng lực đặc biệt của các “Motoman”, Robot công nghiệp thông minh có thể cắt hàn kim loại bằng laser với các bước chuyển động chính xác; Các hội thảo công nghệ, sẽ mang đến những công nghệ mới và các kỹ thuật, bí quyết chế tạo mới. Bên cạnh đó, sự kiện “Electronics Assembly 2010” – Một sự kiện quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng và linh kiện điện tử cũng sẽ mang đến cho khách tham quan cũng như các đơn vị tham gia triển lãm nhiều công nghệ và nhiều cơ hội kinh doanh hơn.
Đặc biệt, Metalex Vietnam 2010 sẽ được tổ chức đồng địa điểm với triển lãm lần thứ 4 về Ngành công nghiệp phụ trợ tại TP.HCM. Triển lãm này do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức. Ngày 10/06/2010, tại khách sạn Sheraton Saigon đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tham gia triển lãm giữa công ty Reed Tradex, ITPC và JETRO.
Bà Nichapa Yoswee – Giám đốc điều hành công ty Reed Tradex cho biết: “Đây là sự kết hợp hoàn hảo vì cả 2 triển lãm sẽ hoàn toàn có thể hoàn thiện lẫn nhau. Các sự kiện trong 2 triển lãm này sẽ tạo nên một trung tâm giao dịch của cộng đồng công nghiệp chế tạo tại cùng một địa điểm và chúng sẽ tạo nên một bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp chế tạo”.
Theo ông Nguyễn Anh Ngọc – Phó giám đốc ITPC, triển lãm công nghiệp phụ trợ lần thứ 4 sẽ tập trung giới thiệu các linh kiện, phụ kiện kim loại và nhựa. Các bên tham gia bao gồm các công ty Nhật Bản muốn mua các linh kiện, phụ kiện sản xuất tại Việt Nam và các công ty Việt Nam muốn bán linh kiện, phụ kiện cho các công ty Nhật Bản. Sẽ có hơn 100 công ty hoạt động chủ yếu trong các ngành công nghiệp ô tô, xe gắn máy, điện tử. Trong đó có 50 công ty Nhật Bản tại Việt Nam hoặc trực tiếp từ Nhật Bản và 50 công ty Việt Nam.
Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Một số viện nghiên cứu đã đưa ra dự đoán, GDP của Việt Nam có thể tăng tới 8%. Tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cho các dự án năm 2006 là 9 tỷ USD, đến năm 2010 con số này là 22 – 25 tỷ USD. Chỉ riêng TP.HCM được dự đoán sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoại đạt 8,4 tỷ USD.
Ông Yoshida Sakae – Giám đốc điều hành JETRO cho biết: “Hiện nay có khoảng 700 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Khoảng một nửa trong số các công ty này hoạt đông trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Thực tế hiện nay, các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu thô, linh phụ kiện từ các nước khác, như vậy các công ty này sẽ phải mất thêm chi phí nhập khẩu và tốn nhiều thời gian. Vì vậy, việc mua các linh phụ kiện từ thị trường Việt Nam sẽ giảm chi phí cho các doanh nghiệp rất nhiều, từ đó sẽ giảm lượng hàng nhập khẩu và sẽ cải thiện được cán cân thương mại của Việt Nam. Triển lãm về ngành công nghiệp phụ trợ lần thứ 4 tại Tp. HCM là một trong những dự án hợp tác theo thỏa thuận đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2009 và toàn bộ chi phí cho chương trình được lấy từ nguồn ngân sách của chính phủ Nhật Bản”.