Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam: Cần một lộ trình khả thi

Nhằm đánh giá thực trạng cũng như kết quả của chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010, đưa ra chính sách phù hợp cho định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo, sáng ngày 10/11 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh cơ khí là một trong những ngành được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã có nhiều định hướng phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Sau hơn 10 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả, góp phần bảo vệ thị trường trong nước, các doanh nghiệp (DN) tham gia chế tạo nhiều hơn, làm chủ công tác thiết kế của một số nhóm thiết bị. Để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, trong những năm qua ngành cơ khí đã mở rộng nhiều trung tâm nghiên cứu. Qua các trung tâm này, nhiều công trình được ứng dụng, một số sản phẩm những năm trước phải nhập khẩu đến nay từng bước đã được thay thế. Dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã được đồng bộ, các DN đã làm chủ được một số công nghệ, đã sản xuất được hầu hết các loại xe tải, xe con, nội địa hóa được 39% góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (CNH-HĐH).

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu khai mạc Hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành cơ khí vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, năm 2014 mới chỉ đáp ứng được 32% nhu cầu, trong khi đó mục tiêu đề ra là từ 40-45%. Công nghiệp cơ khí ô tô, luyện kim… đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Các đơn vị tư vấn chưa làm chủ được thiết kế; công nghiệp hóa dầu… còn hạn chế. Sản phẩm chuyên ngành nông lâm ngư nghiệp, xây dựng đóng tàu kết đạt kết quả thấp. Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách cho ngành cơ khí, tuy nhiên gặp khó trong quá trình triển khai. Chính sách hỗ trợ chưa phát huy tác dụng.

Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương tiến hành lấy ý kiến đóng góp của DN và Hiệp hội nhằm đưa ra những định hướng khả thi, tạo động lực cho ngành cơ khí giai đoạn 2025 – 2035 phát triển, góp phần vào quá trình CNH-HĐH đất nước.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương)

Báo cáo tại Hội thảo về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010 có xét đến năm 2020, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, tỷ lệ giá trị xuất khẩu cơ khí trên tổng giá trị ngành cơ khí trong năm 2014 đạt 32,12% đã vượt chỉ tiêu Chiến lược là 30%. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu ngành cơ khí năm 2014 là 26,53 tỷ USD trong khi giá trị xuất khẩu chỉ đạt 15,23 tỷ USD. Điều đó cho thấy ngành cơ khí cần nỗ lực hơn nữa trong sản xuất kinh doanh để từng bước giảm nhập siêu.

Ông Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, chúng ta đã xác định cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ, đảm bảo khả năng tham gia sâu, có hiệu quả của nền kinh tế vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu. Chính vì vậy, Chiến lược đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025, ngành cơ khí Việt Nam có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số phân ngành, lĩnh vực cơ khí có khả năng cạnh tranh, đáp ứng cơ bản các yêu cầu công nghiệp hóa của đất nước và xuất khẩu. Đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, v.v..

Chiến lược cũng đề ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng ngành cơ khí chiếm trên 21% và năm 2035 chiếm 24% trong cơ cấu ngành công nghiệp. Năm 2025, ngành cơ khí đáp ứng trên 50% nhu cầu thị trường trong nước và năm 2035 đáp ứng trên 60%.

Để đạt được các mục tiêu trên, trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam cũng đề ra, cần tập trung về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động của ngành, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các DN cơ khí, phát triển nguồn nhân lực ngành cơ khí, phát triển kho học công nghệ ngành cơ khí, v.v…

Ông Nguyễn Quốc Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Ban kinh tế Trung ương góp ý tại Hội thảo

Góp ý về nội dung trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Ban kinh tế Trung ương) chia sẻ, tham gia công tác đào tạo 30 năm và 30 năm làm trong lĩnh vực cơ khí ông rất trăn trở để làm sao phát triển được ngành cơ khí. Ông Nguyễn Quốc Hòa cho rằng, về chính sách hiện nay chưa đánh giá tổng thể sự phát triển ngành. Muốn phát triển ngành cơ khí thì cần chính sách về đất đai, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, trong khi đó hiện nay các chính sách này còn thiếu. Cùng với đó, trong chính sách ngành chưa có đánh giá vào chiến lược, quy hoạch ngành. Chính sách hỗ trợ các nước đang áp dụng theo hướng bảo hộ và hỗ trợ ngành. Nước nào cũng có chính sách bảo hộ ngành nhưng Việt Nam chưa có đánh giá sâu về chính sách này.

Đặc biệt, về thực trạng ngành cơ khí thời gian qua, con số nhập siêu thực tế còn lớn hơn, hiện vật liệu hầu hết thuộc về khối nhà đầu tư nước ngoài, nếu trừ đi số này thì nhập siêu có thể lên tới 15 tỷ USD và là ngành nhập siêu lớn của đất nước.

Qua tổng kết 30 năm đổi mới và cổ phần hóa DN, nhiều chuyên gia còn phân vân về việc trước đây còn các nhà máy cơ khí ở tỉnh nhưng sau cổ phần hóa thì đã bị xóa sổ. Do vậy, cần đánh giá hệ thống các nhà máy cơ khí hiện nay, có bao nhiêu nhà máy và số còn lại đang làm gì.

Ông Nguyễn Quốc Hòa cũng cho biết, tỷ trọng DN dân doanh và FDI chiếm ngày càng nhiều trong lĩnh vực cơ khí và họ mang nhiều công nghệ vào Việt Nam, nhưng do liên kết kém nên khả năng hấp thụ công nghệ của các DN trong nước yếu. Do vậy, cần phải xác định và nêu rõ các vấn đề lớn để phát triển ngành cơ khí là gì từ đó mới đưa ra hướng giải quyết.

Ông Nguyễn Tăng Cường: Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tăng Cường: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cũng nhấn mạnh ở các nước phát triển tạo giá trị gia tăng rất lớn từ cơ khí. Nhưng ở Việt Nam, theo ông các nguồn lực của Nhà nước có hạn lại phân bố không đồng đều. Cụ thể đầu tư cho lĩnh vực khác rất nhiều còn ngành cơ khí lại ít. “Cơ khí là ngành đầu tư rộng, gồm cơ khí nông nghiệp, giao thông, xây dựng, chế tạo máy, y tế, v.v… Các loại hình này sẽ có hàng nghìn sản phẩm khác nhau và có 7 bước bắt buộc phải có mới thành công được, gồm chế tạo, thiết kế khuôn mẫu, tạo phôi, gia công cắt gọt, nhiệt luyện, lắp ráp, thử nghiệm xuất xưởng mới trở thành hàng hóa. Tuy nhiên, tại Việt Nam mới có một khâu lắp ráp, những khâu còn lại không quan tâm, đầu tư thì khó phát triển”, ông Nguyễn Tăng Cường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ Công Thương

Góp ý thêm về Chiến lược phát triển ngành cơ khí, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành hàng cơ khí có 2 loại hàng hóa. Thứ nhất, vận hành theo quy luật thị trường và thứ hai là cần có bàn tay hữu hình của nhà nước, nếu tự DN “bơi” sẽ không phát triển được. Do vậy, cần xác định rõ ngành hàng nào để hỗ trợ. Mục tiêu tổng quát và cụ thể có thể chấp nhận được, dù hơi trung bình cao nhưng cố gắng sẽ đạt được. Tuy nhiên, về cơ chế chính sách còn chung chung, vì vậy ông Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng cứ để quy luật thị trường vận hành.

Do vậy, ông Nguyễn Chỉ Sáng nhấn mạnh, với cơ chế chính sách cần hỗ trợ đầu tư, vay vốn, thuế… phải xác định rõ cái nào cần hỗ trợ và hỗ trợ ngành hàng nào. Về cơ quan quản lý Nhà nước còn yếu, cần phải có tổ chức hợp lý hơn bởi vì một mình Vụ Công nghiệp nặng không làm hết được. Bên cạnh đó, vai trò Hiệp hội cần làm rõ hơn, hiện vẫn còn hoạt động tự phát, nếu chủ động và vận động tốt sẽ tác dụng hỗ trợ cho DN. Ông Sáng cũng cho rằng, thay vì hỗ trợ cho vay lãi suất thấp thì cần tạo cho DN thị trường để đầu tư, phát triển.

Toàn cảnh Hội thảo “Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam”

Nhấn mạnh thêm về mặt chính sách trong Chiến lược phát triển, ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh cho rằng, chính sách cụ thể trong Chiến lược vẫn còn yếu nên các chủ trương chỉ là khẩu hiệu, khó đi vào cuộc sống. Việc xác định ngành cơ khí đang đứng ở đâu thực tế là rất thấp, chủ yếu quan tâm đến lắp ráp mà không chú trọng làm theo chuỗi.

Đối với DN cái cần nhất là thị trường, nếu không có thì dù đầu tư cũng phá sản hoặc không muốn đầu tư. Bên cạnh đó, việc tạo thị trường cho ngành cơ khí, Việt Nam đã ban hành Luật đấu thầu, cụ thể khi đấu thầu quốc tế với các sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa trên 40% thì được cộng thêm vào giá 7%, nhưng các nước hỗ trợ rất cao, trên 7,5%. Ngoài ra, lãi vay ngân hàng thời điểm thấp nhất chỉ là 8% trong khi các nước cao nhất chỉ 3% nên khi đấu thầu không thắng được. Với các sản phẩm trong nước đã sản xuất được nhưng hiện vẫn nhập khẩu tự do, cần phải đưa ra tiêu chuẩn bắt buộc DN khi nhập khẩu các sản phẩm đó thì phải qua Hiệp hội cơ khí.

Ông Trần Văn Quang cũng nhấn mạnh, xuất phát điểm của ngành cơ khí trong nước đã thấp trong khi phải cạnh tranh với các nước phát triển lại có chính sách hơn ta thì chắc chắn sẽ thua, thậm chí thua ngay trên sân nhà.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu kết luận Hội thảo

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng ghi nhận những góp ý sâu sắc và thực tế của các đại biểu cũng như DN. Thứ trưởng cho rằng, xuất phát điểm của ngành cơ khí tại Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực, chính vì vậy cần có chiến lược khả thi, tạo động lực cho ngành cơ khí phát triển. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp những ý kiến cũng như đề xuất tại Hội thảo để tổng hợp làm cơ sở cho chiến lược phát triển ngành cơ khí tại Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035.

Nguồn moit.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *