Trong hai ngày 07 và 08 tháng 10 năm 2015, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội thảo APEC về các yêu cầu hàm lượng nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng”. Đây là một trong chuỗi sự kiện về nội dung hợp tác nhằm phát triển năng lượng bền vững trong khu vực APEC mà Việt Nam đã tổ chức trong thời gian gần đây. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú chủ trì Hội thảo.
An ninh năng lượng đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng của các quốc gia ngày càng gia tăng, tuy nhiên nguồn cung năng lượng ngày càng hạn chế và cạn kiệt. Chính vì vậy, việc đảm bảo ổn định về “An ninh năng lượng” là một trong những ưu tiên và mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại Hội thảo
Trong thương mại quốc tế nói chung và thương mại trong lĩnh vực năng lượng nói riêng, các quốc gia ngày càng quan ngại hơn trước thực tế một số nước áp dụng các “yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa” (LCRs) trong lĩnh vực năng lượng, ví dụ như đối với một số bộ phận hoặc thiết bị phục vụ việc sản xuất hoặc sản sinh nguồn năng lượng (năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, năng lượng nước v.v.). Không ít quốc gia trên thế giới sử dụng yêu cầu về nội địa hóa để khuyến khích sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc áp dụng các yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa một cách thái quá với mục tiêu bảo hộ sản xuất trong nước, đi ngược lại với các cam kết quốc tế, sẽ ảnh hưởng một cách tiêu cực đối với tiến trình tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực, cản trở sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) và gián tiếp ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thương mại quốc tế, nhiều vụ kiện liên quan tới yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa nói chung và trong lĩnh vực năng lượng nói riêng đã được xem xét và phân xử bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), do việc áp đặt các quy định này một cách chưa hợp lý đã vi phạm quy định của Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) và Hiệp định các Biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại (TRIMS). Những tranh chấp khu vực và quốc tế liên quan đến yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa hiện đã, đang và sẽ còn là vấn đề gây tranh cãi trong thương mại quốc tế.
Ông Ronal Steenblik, nhà nghiên cứu Chính sách Thương mại Cao cấp, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa đối với tiến trình tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 24 tại Vờ-la-đi-vô-xtốc, Liên bang Nga đã chỉ đạo các Quan chức Cao cấp (SOM) nghiên cứu những tác động tiêu cực của các yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa đối với tăng trưởng kinh tế và hội nhập khu vực. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú mong muốn, Hội thảo này sẽ giúp nâng cao nhận thức của các đại biểu APEC về yêu cầu hàm lượng nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng và chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm cũng như khuyến nghị về nội dung quan trọng này.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp, cũng như các diễn giả và đại biểu quốc tế và Việt Nam đã nhiệt tình chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm quý báu và các khuyến nghị hữu ích nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của các Bộ trưởng APEC đối với việc xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho lĩnh vực năng lượng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Nguồn: moit.gov.vn